Tuesday, January 13, 2015

And Galliano is finally back

Witches in the Air by Goya x Maison Margiela by John Galliano
(Artwork by me)

Ba năm là quãng thời gian đủ dài cho cả John Galliano và những ai yêu thích phong cách thiết kế của ông. Dù ít hay nhiều, BST debut của ông với vị trí là Creative Director cho Maison Martin Margiela (nay là Maison Margiela) cũng đã phần nào thỏa mãn sự chờ đợi.

Margiela, Galliano là hai cái tên mà chẳng ai nghĩ có thể lại đi cùng nhau. Một bên sống một cuộc sống kín đáo, ẩn dật, đến mức người mẫu của mình trên sàn diễn cũng đeo mặt nạ, trong khi thiết kế lại không tuân thủ một quy tắc nào thì một bên giống như ngôi sao của công chúng, đến mức mỗi khi xuất hiện lại hào hoa hơn cả những bộ trang phục. Nhưng với thời trang, điều gì cũng có thể xảy ra, điển hình là sự kết hợp bất ngờ này.

Có lẽ mọi người đã bắt đầu chán ngán thời trang ngày nay khi quanh quẩn trên sàn diễn chỉ là những bộ trang phục tối giản lạnh lùng. BST Haute Couture của Margiela giống như cơn mưa rào ở sa mạc làm thỏa mãn đám đông. Liệu BST này thực sự xuất sắc hay người ta luôn ca ngợi bất cứ cái gì mà Galliano làm ra?

Margiela kết hợp với Galliano không đơn giản chỉ là lấy mỗi bên một ít rồi trộn lại. Phải chăng Galliano đã gác kiếm khá lâu, hay trong ba năm bị dòng đời xô đẩy, hay thực sự ông đã đánh mất thứ ma thuật của mình mà tại BST này vẫn đem lại cảm giác trống trải, thiếu vắng một cái gì đó.

Không khó để thấy được BST thể hiện khá rõ dấu ấn cá nhân của cả Margiela và Galliano. Mở màn bằng một trong những thiết kế kinh điển của Margiela, chiếc váy bằng vải canvas mô phỏng mannequin trong haute couture. Và rồi sự bất cân xứng, lắp ghép đầy ngẫu hứng từ những thứ vụn vỡ trông có vẻ rẻ tiền, nhúng mọi thứ vào sơn và không thể thiếu những chiếc mặt nạ trùm kín đầu. Mặt khác, ở đó có những chi tiết xếp vải và ruffles đặc trưng của Galliano. Nhưng xem ra đây không phải chỉ là cuộc chơi của Margiela và Galliano mà đâu đó còn có sự góp mặt của Comme des Garcons, Schiapparelli.






Có hai thứ ở BST này làm tôi thích thú. Đúng như dòng thời trang couture của Margiela với tên gọi "artisanal", BST này có yếu tố nghệ thuật khá thú vị. Trên một vài thiết kế, Galliano đã tạo ra những gương mặt từ kĩ thuật xếp vải. Đặc biệt trên chiếc áo khoác đỏ với chi tiết gương mặt ghép từ những chiếc vỏ sò và mặt nạ lấy cảm hứng từ tranh chân dung từ hoa quả của danh họa Giuseppe Arcimboldo. Những gương mặt này cũng làm tôi gợi nhớ đến những bức chân dung hoa quả được chụp bởi nhiếp ảnh gia tài ba Irving Penn.




Thứ hai là vẻ đẹp từ sự dang dở của Margiela được Galliano tái hiện rất thu hút. Đó là những bản nháp của các thiết kế vừa trình diễn mà trong đó hoàn toàn không có chất liệu xa xỉ. Chỉ là vải muslin, voan, tulle trắng phục vụ cho công đoạn thiết kế dựng trang phục. Thay vì đính hạt lấp lánh thì trên đó là những đường vẽ, kí hiệu rập, thậm chí rìa vải để tưa tự nhiên. Qua đây, ta có thể thấy được vẻ đẹp trong trang phục không nhất thiết phải đến từ những thứ hoàn hảo, chỉn chu mà có thể đến từ những thứ dang dở, rẻ tiền.




Nhưng trên hết mọi thứ, điều làm tôi bất ngờ hơn hết đó là một diện mạo mới, một con người mới của John Galliano. Nếu như ở thời hoàng kim, ông hoàng Galliano xuất hiện như một ngôi sao hay bất cứ một hình tượng đỏm dáng nào mà ông thích bao nhiêu thì giờ đây lại đơn giản và khiêm tốn bấy nhiêu. Ông chào khán giả với mái tóc cắt gọn, gương mặt được cạo sạch râu trong chiếc áo blouse trắng giống với tất cả những người thợ làm việc trong atelier.


Tuy nhiên, đây vẫn chỉ mới là BST gọi là ra mắt, vẫn còn nhiều thời gian trong khi bài kiểm tra thực sự là Ready-to-wear đang ở phía trước. Nhưng dù sao đi nữa, cái tên John Galliano đủ uy tín để đảm bảo một sự ủng hộ cực kì lớn.

No comments:

Post a Comment