Cuộc đổ bộ của thời trang phong cách hậu Sô Viết bắt đầu len lỏi vào thế giới thời trang cao cấp từ khi những cái tên như Demna Gvasalia của Vetements, Gosha Rubchinskiy được giới trẻ biết đến. Nhưng trước tiên, hãy tìm hiểu khái niệm về thẩm mỹ hậu Sô Viết.
Khối liên minh CNXH Sô Viết ở Đông Âu chính thức sụp đổ vào ngày 26/12/1991. Có thể nói đây là cột mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử loài người khi sản phẩm chính trị CNXH lại bị tàn lụi tại chính cái nôi của nó, và vào ngay thời điểm bước sang thập niên cuối cùng của thế kỉ 20. Sự xụp đổ của mô hình chính trị này mở ra một chân trời văn hóa mới cho giới trẻ, những con người được sinh ra vào cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 tại Đông Âu. Họ bắt đầu tiếp nhận làn sóng văn hóa phương tây tân kì, từ âm nhạc cho đến thời trang, thứ mà thế hệ tiền bối của họ không có cơ hội được tiếp cận. Sau khi "bức tường" xụp đổ, họ thấy McDonald's, Coca-Cola, MTV, Vogue, Adidas... Đám trẻ tuổi teen lúc bấy giờ tại Nga hay Ukraine bắt đầu phát cuồng với những thứ thời trang và âm nhạc mới mẻ ấy, để rồi hơn 20 năm sau, những đứa trẻ ấy lớn lên và đổ bộ vào châu Âu, khuấy động thế giới thời trang bằng thứ thẩm mĩ "cọc cạch" của mình.
Thời trang kiểu Sô Viết không quý phái như Paris hay thanh lịch như Milan. Nó là sự kết hợp thô kệch, vừa luộm thuộm vừa cũ kĩ, pha trộn giữa những món đồ quá rộng hoặc quá chật với những món đồ thể thao mang thương hiệu sản xuất hàng loạt. Giới trẻ thì ở đâu cũng vậy, thanh thiếu niên ở Đông Âu cũng giống như thanh thiếu niên ở bất cứ đâu, đều thích ăn mặc đẹp và chơi cùng với những đứa đồng trang lứa với mình. Nhưng kinh tế nước nhà lại không cho phép chúng bắt chước theo những gì được thấy trên TV bởi sau khi chuyển đổi thể chế, kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn và đồ hiệu hầu như là quá xa xỉ với những đứa trẻ. thứ mà chúng có được chỉ là vài ba món đồ thể thao như áo gió, đồ bộ thun tập thể dục và giày sneakers (thứ có thương hiệu duy nhất chúng có thể có, mặc dù những thứ đồ này được sản xuất hàng loạt và bán rẻ như cho ở phía bên kia biên giới) kết hợp với những món đồ cũ mà chúng tìm thấy ở chợ đồ cũ. Đó không chỉ là sản phẩm được Demna hay Gosha tạo ra để gây sự chú ý hay cái gì đó mới mẻ gây shock mà đó chính là thẩm mỹ nơi quê hương của họ. Họ chỉ đóng vai trò đưa vẻ đẹp đó ra thế giới mà thôi.
Tại sàn diễn thời trang thu đông 2017 cho nam giới lần này, không chỉ có ở London, "địa bàn" của thời trang điên người ta mới thấy dáng vẻ của phong cách thời trang hậu Sô Viết mà nó đã bành trướng tại cả Milan và Paris. Hình ảnh những người mẫu nam đầu cạo trọc hay kiểu tóc "chó táp" mặc đồ street wear rộng thùng thình, phối hợp luộm thuộm như thống trị các BST. Các thương hiệu như Versace, Fendi, Marni, Haider Ackermann vốn được biết đến với những phong cách thanh lịch, trẻ trung nay cũng đều buộc lòng phải thay đổi bởi giới trẻ ngoài kia đang phát cuồng với thời trang street wear mang phong cách hậu Sô Viết.
Skinhead và sự đa dạng của thời trang
Nhưng nếu chỉ là cách phối hợp trang phục bê tha thôi thì chưa đủ để nói lên hết thứ thẩm mỹ đặc trưng của Đông Âu. Như đã đề cập ở trên thì những người mẫu Skinhead đổ bộ sàn diễn thời trang. Vậy Skinhead là ai và vì sao họ lại xuất hiện quá đông đúc ở mùa thời trang lần này?
Đặc điểm nhận dạng của Skinhead đó là những cậu trai da trắng đầu cạo trọc. Họ mặc áo t-shirt bỏ thùng với quần jeans Levi's, đeo ủng Dr.Martens và mặc thêm áo flight bomber, rất bình dị theo kiểu giai cấp lao động. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Skinhead giống như một "bộ lạc" hay một "băng đảng" đặc trưng của châu Âu. Ra đời tại Anh Quốc vào thập niên 60 và trong vòng 20 năm đã phát triển rộng khắp và phổ biến rải rác toàn cầu nhưng mạnh nhất vẫn là ở châu Âu, trong đó có khu vực Đông Âu.
Thế nhưng Skinhead tồn tại một mặt tối tăm đáng sợ. Vào đầu thập niên 90, Skinhead được du nhập và Đông Đức, Phần Lan, vài nước trung tâm châu Âu và Nga bởi những thanh niên ủng hộ chủ nghĩa Phát xít. Skinheads trở thành biểu tượng chính trị đáng sợ ở Đông Âu khi nó là hiện thân của những băng đảng ủng hộ Hitler, kì thị chủng tộc, giới tính, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, giống như những gì người ta nói về Donald Trump. Nếu như mùa trước thời trang ủng hộ bà Hillary bằng thông điệp nữ quyền thì tại tuần lễ thời trang nam lần này lại phản ánh những đặc tính về Trump.
Bỏ qua khía cạnh chính trị ở đây, Skinhead hay những người mẫu gầy gò, da trắng với chiều cao không đồng đều là điểm gây chú ý của mùa này. Chúng ta đã quen với hình tượng những người mẫu cao ráo, điển trai và thân hình rắn chắc, bỗng chốc bị mất tích và thay vào đó là những người mẫu cao thấp không đồng đều, để tóc dài, đầu trọc và xương xẩu. Có chăng đây là khởi đầu cho cuộc cách mạng về sự đa dạng trong thời trang nhằm đưa thời trang gần với thực tế hơn khu chúng được mặc lên trên những con người không mang vẻ đẹp hoàn hảo như trước kia.
Cũng có thể cho rằng bởi vì những Gosha hay Demna đang gặp thời nên Skinhead trở thành hình tượng thời trang thịnh hành nhất hiện nay. Nhưng thực tế thời trang và thanh niên Skinhead vẫn ở đó, chỉ là bỗng dưng xuất hiện nhiều Skinhead đội lốt mặc đồ hiệu hơn mà thôi. Bạn có thể theo đuổi một trào lưu thời trang vì nó đang hot, nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn hiểu về phong cách đó trước khi quyết định mặc nó bởi dù thế nào đi nữa vẫn có những yếu tố liên quan đến lịch sử, chính trị hay văn hóa đi kèm bất kì một phong cách nào.
Rất nhiều fashionista trọc đầu tại Seoul Fashion Week cho thấy Hàn Quốc là trung tâm thời trang của Châu Á, nơi học tập và thể nghiệm thời trang thế giới rất kịp thời.
No comments:
Post a Comment