Louis Vuitton resort 2018 in Ukiyo-e style
Artwork by me
Resort hay Pre-fall không còn là BST khỏa lấp khoảng trống giữa xuân/hè và thu/đông nữa mà trái lại, chúng đã trở thành công cụ để phô diễn của những thương hiệu thời trang tầm cỡ. Mặc dù cuộc đua resort 2018 chưa kết thúc, nhưng có vẻ Louis Vuitton đã về đích với tấm huy chương vàng danh giá.
Dior tại California, Prada tại Milan, Gucci sẽ tại Florence, Chanel với chủ đề Hy Lạp nhưng tại Paris còn Louis Vuitton lại là Kyoto, cố đô giàu bản sắc của Nhật Bản. Phải nói là năm 2017 này, các thương hiệu bắt đầu trở về tập trung vào thị trường Nhật Bản bởi dù thế nào đi chăng nữa, đây vẫn là thị trường chịu chơi ổn định chứ không phải hiện tượng bong bóng xà phòng như ở Thượng Hải và Hong Kong: Dolce&Gabbana và Dior trình diễn BST couture với những thiết kế dành riêng cho thị trường Nhật Bản, Chanel sẽ trình diễn lại BST Metier D'Art tại Tokyo.
Miho Museum, Kyoto
Y phục xứng kì đức. Đã không tổ chức thì thôi, một khi đã làm thì vị trí được chọn lựa phải thật hoành tráng và "outside of the box", nghĩa là một nơi vốn không dành cho thời trang. Để được trình diễn tại bảo tàng Miho, hãng phải được sự cho phép từ phía chính phủ Nhật Bản. Muốn trình diễn ở những địa điểm không thiên về thời trang, nhất là liên quan đến văn hóa và di sản thì để được nhà nước cho phép là không dễ. Gucci từng bị chính phủ Hy Lạp từ chối cho phép trình diễn tại đền Acropolis. Phải nói rằng lần này Louis Vuitton chơi quá lớn, đến cả Chanel nổi tiếng chơi trội cũng chưa có được một venue trình diễn khủng như thế này. Miễn cưỡng thì có Fendi với lần trình diễn tại Vạn Lý Trường Thành năm 2008, nhưng suy cho cùng cũng không thể hoành tráng bằng bảo tàng Miho lần này bởi nếu xem đoạn video show diễn thì bạn sẽ thấy đường băng cực kì dài nằm giữa thiên nhiên hùng vĩ đến nhường nào.
Về trang phục, quả thực tôi không trông chờ gì nhiều, và đúng thật là như vậy. Vẫn là lông báo đốm, áo manteau, swearter mặc với short/chân váy... Nếu có khác chỉ là chất liệu gấm đắt tiền để phù hợp với chủ đề trình diễn lần này. Nhưng không! Nếu theo dõi chặng đường sự nghiệp của Nicolas, chúng ta sẽ thấy trong BST này, anh ta cài cắm rất nhiều hits hớn của mình tại Balenciaga: Cấu trúc vai hình vòm trên vải ca rô từ thu đông 2006, tay dạng kén tằm từ thu đông 2012, trang phục áo giáp từ xuân hè 2007, và chưa kể chất vị lai kiểu thập niên 80 đặc quánh trong phong cách của Nicolas.
Không quá sa đà và lộ liễu nghĩa đen như Dior và Chanel, BST lần này lồng ghép văn hóa Nhật Bản rất khéo léo và văn minh. Kiểu make up lấy cảm hứng từ nghệ thuật kịch Kabuki kết hợp với phong cách make up đậm nhấn phần mắt và gò má của thập niên 80, áo và nón snapback độc đáo được lấy cảm hứng từ kĩ thuật làm bộ giáp của Samurai, họa tiết và hình ảnh trên tranh Ukiyo-e được biến tấu trên trang phục như họa tiết rằn ri từ những đám mây...
Với BST này, tôi lại giữ vững hơn niềm tin với Nicolas Ghesquiere. Chắc không chỉ riêng mình tôi, rất nhiều người muốn thấy lại một Nicolas Ghesquiere đại tài và hi vọng rằng ngày đó không quá xa. Còn gì bằng nếu như anh không kí tiếp hợp đồng với Louis Vuitton và thành lập thương hiệu riêng?
No comments:
Post a Comment