Sunday, September 4, 2016

Modern fashion: Love it or hate it?


Có bao giờ bạn cảm thấy thời trang ngay lúc này thật điên rồi không, khi mọi giá trị làm thời trang trở nên tuyệt diệu đảo lộn và bị xem thường? Người ta thường nhìn về quá khứ vàng son để tiếc nuối, và hình như những người càng chứng kiến những bước chuyển mình của thời trang càng lâu thì lại càng cảm thấy ngao ngán trước những gì đang diễn ra.


Đây là giai đoạn mà với thời trang, quần áo không còn là thứ người ta quan tâm nữa mà thay vào đó là những thứ chiêu trò xung quanh nó. Chúng ta đã đi hơn nửa chặng đường của một thập niên và vẫn chưa có một từ khóa hay một khái niệm thời trang nào để mà sau này được nhắc đến khi nói về những năm 2010s. Hãy nhìn lại lịch sử thời trang, chúng ta có thể nhớ về thập niên 20 với đầm flapper, thập niên 60 với đầm chữ A hay họa tiết op art, hay thập niên 80 với những bộ đồ bó màu mè và độn vai... Vậy còn từ năm 2010 đến nay, chúng ta có gì? Không gì cả.

Sự xuất hiện của fast fashion góp phần làm giá trị sáng tạo trở nên vô nghĩa khi những thiết kế giá nghìn đô được sao chép và bán với giá vài chục đô. Các thương hiệu thời trang phải tốn nhiều chi phí để trình diễn và bán sau đó 6 tháng nhưng fast fashion chỉ chờ diễn xong là sao chép. Một số thương hiệu đã khắc phục bằng cách thực hiện mô hình "see now, buy now", nghĩa là diễn xong là bán luôn. Điển hình có Burberry. Nghe có vẻ hay, nhưng "bố già" Karl Lagerfeld lại không nghĩ thế. Giá trị của đồ xa xỉ không chỉ bởi thiết kế, chất liệu mà còn là cảm giác trông chờ để được sở hữu, và một người tiêu dùng có cốt cách sẽ hiểu và trân trọng điều này. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Birkin hay Kelly vẫn đứng đầu bảng những chiếc túi xách đáng mơ ước của chị em phụ nữ khi chưa chắc có tiền là mua được ngay mà phải chờ hằng tháng ròng.

Đây là giai đoạn mà các NTK vừa là ngôi sao và cũng vừa là công cụ của các nhãn hiệu thời trang. Vài năm trước tôi còn phàn nàn rằng những người mẫu trên sàn diễn cứ đến rồi đi mỗi độ tuần lễ thời trang về. Họ thay đổi nhanh đến mức bạn chưa kịp nhớ mặt nhớ tên thì đã bị đào thải. Bây giờ thì các NTK cũng vậy. Các nhãn hiệu mời họ về và đuổi (hoặc tự động rút lui) trong vài mùa thời trang, cốt chỉ để làm cho tên tuổi thương hiệu được nhắc đến và tăng doanh số.

Khái niệm NTK ngôi sao bắt đầu từ khi Tom Ford về làm cho Gucci. Khi đó Gucci by Tom Ford thực sự là một huyền thoại khi một NTK thực sự phá bỏ giới hạn và làm nên tên tuổi cho cả hai. Công thức đó ngày nay vẫn được sử dụng nhưng đầy mạo hiểm bởi bạn chẳng biết người đó có thực sự cứu vớt thương hiệu của mình hay không. Dior và Saint Laurent đã từng thành công với Raf Simons và Hedi Slimane, cũng như Gucci đang thành công với Alessandro Michele hay Louis Vuitton và Nicolas Ghesquiere. Tuy nhiên có một hiện trạng đó là tất cả những NTK ngôi sao trên không thực sự tạo nên được những điều bất ngờ mà chúng ta mong chờ. Có hai giả thiết được đặt ra là: 1. Họ không muốn sáng tạo nữa, bởi họ sợ mình bỏ ra quá nhiều để rồi ra đi trong sự thiếu tôn trọng (trường hợp của Nicolas và Balenciaga); 2. Họ bị các nhãn hiệu kiểm soát sự sáng tạo (trường hợp của Raf Simons và Dior).  Các nhãn hiệu có quan tâm không? Có, nhưng là quan tâm đến doanh số.

 NTK ngôi sao thực thụ Nicolas Ghesquiere có số bìa Vogue nhiều nhất năm nay. Ít ra anh ta trông rất bảnh.


Musical chairs game cứ tiếp tục diễn ra nhưng người chơi vẫn chỉ là những gương mặt quen thuộc mà không hề có sự tham gia của những nhân tố mới. Ở đâu đó ngoài kia vẫn đang có những nhân tài kém may mắn đang làm thực tập sinh hay trợ lí thiết kế trong các xưởng thời trang và có vẻ như cơ hội để xuất hiện càng ngày càng khó.

Và đây cũng là giai đoạn mà người mẫu, bộ mặt thứ hai của thời trang là đám con trẻ của những người nổi tiếng. Các bookers ngày nay chỉ book người mẫu dựa vào gia cảnh và mức độ nổi tiếng trên mạng xã hội của những đối tượng "con ông cháu cha". Một vài đứa trẻ cũng rất cố gắng, điển hình là Gigi Hadid khi cô nàng đã cố gắng giảm cân và tập tành đi đứng. Tuy nhiên sự cố gắng đó chẳng nhằm nhò gì so với những hồng nhan ốm yếu tuổi teen đến từ vùng Trung Đông bị hiếp đáp trên đất khách từ các agency và nhãn hiệu. Những Kendall Jenner hay Gigi Hadid cố gắng một thì những người mẫu kia cố gắng 10 nhưng kết quả nhận lại tỉ lệ nghịch rất lớn.

Gigi Hadid

Các nhà xuất bản tạp chí thì phá vỡ chuẩn mực của mình để bán báo và quảng cáo bằng cách lăng xê những gương mặt "con ông cháu cha" và nổi tiếng vì "không gì cả" lên trang bìa vốn được mệnh danh là "kinh thánh thời trang". Cũng phải thôi, họ cũng cần phải sống và tôi cũng chẳng mua những cuốn tạp chí mang nặng tính chính trị như thế nữa.

 Vogue US đã không còn là tờ tạp chí danh giá trong mắt nhiều người kể từ khi lăng xê vợ chồng Kim và Kanye trên số tháng 4/2014. Việc đưa Kendall lên số tháng 9 huyền thoại một lần nữa khẳng định Anna Wintour đã bán linh hồn cho Satan để miễn sao bán được báo. Không thể trách bà ta được vì giả sử bà ta chọn một gương mặt đẹp có tri thức như Zadie Smith thì chẳng bán được cho ai. 


Anyway, chém gió than thở tới đây là được rồi. Nhân dịp mùa thời trang mới sắp diễn ra, tôi liệt kê danh sách "what worth to watch" cho mùa này:

1. Các NTK mới của các thương hiệu Dior, Saint Laurent và Lanvin lần lượt là Maria Grazia Chiuri, Anthony Vaccarello, Bouchra Jarrar ra mắt BST debut. Trong đó đáng chú ý là Dior và Lanvin với hai NTK nữ hiếm hoi trong lĩnh vực toàn nam giới.

2. Olvier Theyskens và thương hiệu của mình trở lại với thời trang. Đây là điều mà rất rất nhiều người chờ đợi vì họ muốn được thấy vẻ đẹp mộng mị và giàu chất thơ của anh chàng người Bỉ này một lần nữa. Nhưng vấn đề là liệu anh ấy đã có được bài học từ Nina Ricci hay chưa? Tôi hi vọng là rồi nhưng cũng đừng để đánh mất linh hồn và hòa tan vào thế cục thời trang không thể chán hơn nữa.

3. Rất nhiều thương hiệu tham gia cuộc chơi "see now, buy now" và để xem mô hình này hoạt động thế nào và làm đảo lộn cỗ máy thời trang ra sao. Riêng tôi chả thích ý tưởng này chút nào.

4. Show diễn của Kanye. Tôi chả mong chờ gì ở những thiết kế mà chỉ chờ được xem gánh xiếc thời trang của Kanye mùa này sẽ có điều gì và nó có khủng khiếp hơn mùa trước không. Tại sao lại là ghánh xiếc? Vì người ta phải mua vé để vào xem, thế thôi. À, và cả những bài review chân thực trong đó có của Cathy Horyn.

5. Mặc dù phải đến sang năm nhưng tôi không thể chờ để xem thử Raf Simons sẽ làm gì với Calvin Klein trong vai trò Chief Creative Officer của hãng này. Chức này cao hơn cả Creative Director luôn vì có thể làm gì thì làm mà không cần nhìn sắc mặt CEO (hi vọng là thế). Và cũng hi vọng rằng Raf Simons có thể "make New York great again".

2 comments:

  1. Vậy là tuần NYFW SS RTW 2017 năm nay Raf chưa trình làng BST mới cho CK hả bạn? Mình ngóng quá :))

    ReplyDelete
  2. Đúng vậy. BST trình diễn trong tháng này của CK vẫn do design team thực hiện.

    ReplyDelete