Chỉ có một từ để mô tả thế giới cũng như nghành thời trang hiện nay đó là "Chaos", Sự hỗn loạn. Thời trang không còn là một loại hình nghệ thuật qua những phát kiến hay kĩ thuật tay nghề cao nữa mà nó đã trở thành công cụ của nhiều thứ mà trong đó có chính trị và nữ quyền. Nhân sự kiện bầu cử Mĩ đã và vẫn đang sôi nổi, tôi xin phép được lan man vài điều có liên quan.
Đầu tiên, chúng ta hãy cùng nhìn lại quá trình hình thành lịch sử thời trang thì đàn ông vẫn là người làm đẹp cho đàn bà mà nổi bật có Christian Dior, Christobal Balenciaga, Yves Saint Laurent, Hubert de Givenchy... và sau này có Tom Ford, John Galliano, Alexander McQueen... Vẫn có các NTK là nữ nhưng nếu tính từ đầu thế kỉ 20 đến nay thì làm nên tên tuổi chỉ loanh quanh mười đầu ngón tay và mười đầu ngón chân.
Mới đây, NTK Donatella Versace vừa trần tình rằng các NTK nam chỉ thiết kế cho người phụ nữ mà họ muốn trở thành. Tôi phải lên án bà trước vì bà đạo ý tưởng này từ một câu thoại trong bộ phim "Pret-a-Porter" năm 1994. Nhưng quay lại ý nghĩa thì điều này chẳng sai. Lấy ví dụ Alexander McQueen hay John Galliano với những kiệt tác làm khó người mặc, liệu có người phụ nữ nào muốn nín thở và lê từng bước chân thận trọng không? Có thể, nhưng là từ thời Marie Antoinette trở về trước.
Cuộc chiến về nữ quyền kéo dài từ rất lâu trước đó bằng những bước đầu tiên đòi quyền bình đẳng cơ bản nhất. Và cuộc chiến ấy được đẩy lên cao trào vào thập niên 80 khi phụ nữ ý thức được tầm quan trọng của sự bình đẳng. Họ bắt đầu đi làm và có những công việc ngang hàng với nam giới. Tôi đồ rằng nhờ có hai cuộc Thế chiến, khi mà nam nhân đi tòng quân còn phụ nữ ở nhà quán xuyến đủ thứ, kể cả làm việc ở nhà máy mà phụ nữ nhận ra rằng khả năng của họ còn to lớn hơn việc chỉ quanh quẩn cơm nước hay con cái.
Một trong những đặc điểm nổi bật của thời trang thập niên này là phần vai rộng độn cao, gọi là "Power shoulders". Bản tuyên ngôn về nữ quyền được thể hiện triệt để trên cả những thứ quần áo họ mặc trên người. Đây cũng là giai đoạn mà Donna Karan ra mắt BST 7 món thiết yếu để đáp ứng cho người phụ nữ hiện đại. Tôi lấy ví dụ này ra chỉ để chứng minh rằng một khi phụ nữ đã thiết kế, họ thiết kế cho chính họ bởi họ biết mình cần gì và thứ gì làm cho họ thoải mái, thay vì những hình mẫu lí tưởng nào đó.
Chưa dừng lại ở đó, thập niên 90 lại tiếp tục ra đời hai từ khóa "Normcore" và "Minimalism". Cũng vẫn là những người phụ nữ hiện đại và mạnh mẽ, nhưng trái ngược với thập niên 80 sôi nổi và ồn ào, họ trầm lặng hơn, tinh tế hơn. Vậy là thời của Jil Sander và Prada bắt đầu. Vâng, cũng vẫn là hai NTK nữ giới nổi tiếng.
Phoebe Philo-Người hùng của Celine là đại diện ưu tú của thế hệ NTK nữ của thời trang hiện đại. Bà tái định nghĩa về hình ảnh người phụ nữ tài giỏi, độc lập và có gu của thời đại mới.
Chuỗi tuần lễ thời trang xuân hè 2017 vừa diễn ra cách đây không lâu đánh dấu sự ra mắt của hai NTK nữ được đặt nhiều kì vọng là Maria Grazia Chiuri cho nhà Dior và Bouchra Jarrar cho Lanvin. Chẳng phải ngẫu nhiên mà thập niên 80 hiện hữu một cách mạnh mẽ và xuyên suốt qua các kinh đô thời trang và thông điệp về nữ quyền được gửi gắm qua các BST. Đây không chỉ là một sự làm mới sau một thời gian dài đắm chìm với phong cách Boho lơ đãng mà còn là thông điệp bình đẳng giới trong thời trang, nơi mà phụ nữ được làm đẹp bởi toàn cánh đàn ông.
Gọi là "Perfect timing" khi hai mùa cuối năm 2016 là thời điểm diễn ra những hoạt động tranh cử ở Mĩ mà ở đó, bà Hillary Clinton được ưu ái và nhận được nhiều kì vọng sẽ trở thành Thủ tướng Mĩ nữ giới đầu tiên. Thậm chí hãng thời trang Elie Tahari còn tung ra chiến dịch quảng cáo với hình ảnh người phụ nữ tự tin và mạnh mẽ trong bối cảnh văn phòng chính phủ Mĩ. Chưa hết, tờ Vogue Mĩ cũng trở thành sân sau của giới chính trị khi đưa bà Michelle Obama lên bìa những 3 lần.
Nói lan man nãy giờ cũng chỉ để khẳng định lẫn nữa là mặc dù không có những cuộc biểu tình với biểu ngữ hùng hồn nhưng cuộc chiến về nữ quyền vẫn luôn tiếp tục dưới các hình thức khác nhau.
À! Quên mất! Mới đây có một NTK không biết là ai luôn vừa từ chối thiết kế cho tân đệ nhất phu nhân Melania Trump và bù lu bù loa trên truyền thông. Thật nực cười các bạn ạ! Tôi đánh giá NTK kia chẳng khác nào đám celeb gan cóc tía từng to tiếng tẩy chay Trump một chút nào và hành động đó không khác gì những vụ ăn hiếp ở trường học cả. Dù không bằng lòng hay gì đi chăng nữa thì phần thắng cũng đã thuộc về Trump, và không mợ chợ vẫn đông. Cô không nhận job thì có người khác, vậy thôi. Cá nhân tôi thấy dù bà Melania không thông minh và sắc sảo như Michelle, nhưng bà ta cũng đẹp, lại còn buồn cười nữa. Nếu review lại những pha awkward của bà trong thời gian vừa qua thì tôi thấy vừa hài hước vừa tội nghiệp. Coi nào các bạn, người mà các bạn căm thù là Trump cơ mà. Hà cớ gì lại hiếp đáp một người phụ nữ như thế?
No comments:
Post a Comment