Xin chào mọi người!
Lâu rồi không gặp nên có nhiều chuyện để nói lắm, nhưng lần này sẽ chọn vài thứ để nói, và hi vọng sẽ không bị ném đá nhé, hihi.
Thời trang Việt Nam hai ba năm gần đây quả thực đã phát triển hơn rất nhiều. Người người nhà nhà ăn mặc thời trang hơn, quan tâm đến thời trang hơn, giới editor thì đi fashion week như đi chợ, các tạp chí và thương hiệu nước ngoài cũng có mặt nhiều hơn ở Việt Nam. Cũng là dấu hiệu đáng mừng chứ. Tuần lễ thời trang Paris vừa kết thúc, mạng xã hội tràn ngập các nàng model bước ra từ các cuộc thi soải bước trên những sàn diễn quốc tế, rồi street style nọ kia các kiểu, lại còn xuất hiện trên Vogue đường đường chính chính. Dù ăn may hay gì cũng xin chúc mừng! (mặc dù dạo này Vogue đã trở nên thương mại hóa, ăn tạp hơn, kể từ cái lúc mà có cái loạt bài "10 điều bạn nên biết về show của ai đó" mà đọc xong cảm giác toàn thông tin vô bổ, rồi nâng bi Yeezy là mình cảm thấy đây không còn là trang thông tin đáng tin cậy rồi)
Nhân nói về street style, tôi xin chia sẻ về quan điểm cá nhân của mình. Tôi xin không bàn tới định nghĩa street style bị bóp méo ở nơi nào đó, chỉ nói về street style nguyên bản, thứ mà chúng ta thường thấy ở mỗi đợt fashion week về.
Vào những ngày xưa ấy, những bức ảnh street style thường được chụp ở những khu vực tổ chức các buổi trình diễn, bởi những nhiếp ảnh gia chuyên về street style như Tommy Ton hay Bill Cunningham, với đối tượng được chụp là những khách mời tham dự fashion show và người mẫu. Theo thời gian, thời trang qua những bức ảnh street style được quan tâm hơn cả những buổi trình diễn và rồi cả người mẫu lẫn thợ chụp hình cũng nổi lên theo.
Miếng bánh ngon thì ai cũng muốn ăn. Thợ chụp hình street style bây giờ đông như kiến cỏ, cũng như những-người-không-biết-là-ai-nữa cũng muốn được lên hình, hay street style trở thành công cụ lăng xê cho những chiếc t-shirt vô hồn "no fish no nothing". Tôi không phản đối vì tôi cũng hay xem hình street style lắm, cũng nhiều người ăn mặc chất phết. Thế nhưng cái gì nhiều quá cũng làm bạn phát ngán.