Friday, October 2, 2015

Happy Birthday, Mr. Yohji!



Có lẽ Yohji Yamamoto là người duy nhất trong làng thời trang mà tôi dành trọn sự kính nể và tôn sùng. Tôi và ông là hai người đến từ hai thế hệ, hai đất nước và chưa hề gặp nhau, nhưng dường như có một sự liên kết giữa tôi và ông khiến cho tôi càng ngày càng thán phục và sùng bái người đàn ông này.

Yohji Yamamoto là người Nhật, lại sinh ra và trưởng thành vào cái thời điểm mà chiến thắng và thất bại của đất nước diễn ra như thể một cái chớp mắt. Ông mang một thân hình nhỏ thó bởi gốc gen của người Nhật cũng như sự thiếu thốn của một nước bại trận trong chiến tranh. Nhưng có lẽ được chứng kiến xã hội và gia đình trong hoàn cảnh khó khăn như thế làm cho ông có một cái đầu và tầm nhìn vô cùng vĩ đại. 

Tốt nghiệp trường luật nhưng lại đến và thành công với thời trang quả là một điều không logic. Chỉ vì muốn giúp người mẹ ở nhà mà ông trở thành một người thợ may, và mãi cho đến ngày hôm nay ông vẫn chỉ khiêm tốn gọi mình là một "dress maker". Một góc nhìn hỗn loạn và giằng xé từ xã hội loạn lạc, một hệ thống triết lí từ những gì học ở giảng đường, và một tình yêu dành cho phụ nữ vô bờ bến đã biến ông không chỉ là một "dress maker" mà thậm chí là "dream maker" hay "art maker" (artist). 


Là người Nhật, nhưng có vẻ Yohji Yamamoto lại không mang tác phong của người Nhật. Nếu như xã hội đang hối hả và tất bật với cuộc sống thì Yohji Yamamoto lại vô cùng chậm rãi và từ tốn, ngay cả ở cách nói chuyện. Ông lắng nghe câu hỏi, ngẫm nghĩ rồi trả lời trong thứ tiếng Anh giọng Nhật nhưng vẫn dễ nghe và cú pháp và ý tứ vô cùng chặt chẽ. Tác phong đó đồng thời cũng ảnh hưởng đến cách mà ông cảm nhận và làm thời trang. Ông muốn bánh xe thời trang nên chậm lại để có thể nghiền ngẫm, thay vì cứ tiếp tục lãng phí chúng.

Tôi rất ít khi sử dụng và thậm chí căm ghét cái từ "tín đồ" bởi nó đã bị dùng vô tội vạ ở một đất nước nào đó nhưng tôi cũng giống như những tín đồ của Yohji Yamamoto đều bị những triết lí của Yohji Yamamoto chạm vào trái tim, tâm hồn và làm thay đổi suy nghĩ và cuộc sống của bản thân. Tôi vừa lục lại một cuốn sách của Yohji, trong đó có đoạn viết như thế này:"Making clothes is a painful process. Every snip of the scissors is painful; that's why i set myself limits. To create something good and artist has to take the plunge; he's testing the outer limits beyond which everything falls apart. Art is always a shock because it is pushing up against the acceptable." Hay một quan điểm về cuộc sống:"Yes. In the world, in life, 90 percent of people are spending so-called ordinary life. Have a family, have a child, and get educated: ordinary. Growing up: ordinary, and get married: ordinary. And getting a job: ordinary and getting old: ordinary, and getting sick: ordinary, and going to the grave: ordinary. More than 90 percent. This is not my customer. The people who choose freedom, these are special people, or these are the sad people, you can say. Freedom carries a strong responsibility. If you deny the way of ordinary families, you have to find how you make people sad, how you are hurting people. What you are creating or what you are saying is not understood, so you will always feel isolation. It's always walking on the edge of life, every day. I call this "outside of life."


Đó chỉ là một trong những triết lí về thời trang và cuộc sống mà tôi lĩnh hội từ nhà hiền triết của thời trang Yohji Yamamoto. Bằng một cách nào đó mà những quan điểm như thế trở thành cầu nối hay sự phiên dịch cho những tác phẩm mà Yohji trình diễn trên sân khấu. 

Dĩ nhiên sân khấu của Yohji Yamamoto luôn là sự hòa hợp bởi yếu tố thương mại lẫn nghệ thuật, (mặc dù cho cái thương mại của Yohji cũng không phục vụ cho 90% dân số ngoài kia) nhưng tôi gọi đó là sự thành công và khéo léo bởi ý muốn ban đầu khi ông tới Paris trình diễn cũng chỉ là có một cửa hàng nho nhỏ ở nơi đây, nhưng đồng thời, ông lại mang cả chất thơ, sự lãng mạn mà bắt người xem phải nghi vấn, tìm tòi cho đến đấu tranh nội tâm để cảm nhận rồi yêu hay ghét. Bạn không tìm thấy những kiểu dáng hay silhouette đang bị nhân bản ngày một nhiều như một căn bệnh trong thời trang đang diễn tra trên sàn diễn của các tuần lễ thời trang đang diễn ra. Chẳng phải điều đó rất dáng tán dương hay sao? 

Và cuối cùng, Chúc mừng sinh nhật, Yohji Yamamoto! Cầu chúc cho ông thật nhiều sức khỏe để tiếp tục cuộc hành trình thời trang với những người hâm mộ như tôi.


Thursday, July 9, 2015

Fendi haute fourrure fall 2016: Brutal glamor


Trong sự kiện Haute Couture week thu đông năm nay, sự kiện nổi bật nhất có lẽ là BST couture đầu tiên của Fendi đánh dấu 50 năm làm việc tại thương hiệu đồ lông xa xỉ Italia của NTK lão làng Karl Lagerfeld. Như dự đoán, BST là sự choáng ngợp của chất liệu lông thú.

Trong cuộc đời tôi chưa từng thấy một số lượng lớn lông thú trên sàn diễn thời trang như thế. Họa chăng chỉ có trong một phân cảnh của bộ phim 102 Dalmatians mà thôi. Những loại động vật được sử dụng để lấy lông trong BST này có thể liệt kê ra là rái cá, mèo lynx, cừu Ba tư, chồn tuyết, chuột chinchilla và một vài loại lông vũ. Chính bởi tính chất của buổi biểu diễn như thế nên vấn đề an ninh trong suốt buổi biểu diễn được thắt chặt. Mọi hoạt động phản đối chỉ diễn ra gay gắt ở bên ngoài.




Quay trở lại với BST. Ngoài lượng lông thú được sử dụng ra thì không có gì quá ấn tượng, nếu không muốn nói là khá lỗi thời. Họa chăng chỉ có một vài thiết kế có sự đầu tư về xử lí và tạo kiểu chất liệu. Nghe có vẻ sáo rỗng nhưng giống như những người mẫu đang cải trang thành một loài động vật nào đó.

Wednesday, July 8, 2015

Viktor&Rolf Couture fall 2016: Beyond clothes. Above art


Bạn nghĩ thế nào về ý tưởng một ngày nào đó nếu không còn muốn mặc đồ trong tủ nữa mà gỡ tranh trên tường xuống để mặc? Điên rồ nhưng thú vị phải không?

Trong thời buổi khủng hoảng ý tưởng và yếu tố thị trường được đặt hàng đầu thì khó trách được những cái tên như Jean Paul Gaultier hay Viktor&Rolf mất đi sự nhiệm màu của ngày trước. Cả hai đều quyết định bỏ dòng RTW để tập trung vào Haute Couture, nhưng chúng ta đều biết lí do là gì. Nếu như BST của Gaultier lần này để lại sự trống rỗng thì Viktor&Rolf lại có sự hứng khởi, ít nhất là so với BST xuân hè vừa rồi.

Có vẻ như cứ khi nào họ xuất hiện trên sân khấu để cởi và mặc đồ cho người mẫu thì đó là một BST cũng như màn trình diễn hay ho, mặc dù ý tưởng này không còn quá mới và nếu lặp lại nữa thì cũng nhàm chán. Ý tưởng trông có vẻ rất đơn giản: Rã khung tranh thành nhiều mảnh và quấn bức tranh vào người. Nhưng phần thú vị là làm cách nào và sự biến hóa khôn lường từ bộ trang phục đang mặc lại trở thành tranh treo tường vào ngược lại.



Monday, July 6, 2015

Dior Haute Couture spring 2016: The Medieval Fairy Tale

Garden of Earthy Delights by Hieronymus Bosch

Sau một thời gian cấp tiến đến tương lai thì Haute Couture thu đông lần này lại tìm về thế giới cổ tích lãng mạn mà chúng ta thường tưởng nhớ.

Có vẻ như Raf Simons đã tạo nên một thông lệ là nếu BST xuân hè "khó nuốt" bao nhiêu thì thu đông lại tuyệt vời bấy nhiêu. Nếu so với thời điểm mới bắt đầu đến với Dior, Raf Simons của ngày hôm nay "ngông cuồng" hơn rất nhiều khi ông luôn cố gắng gạt bỏ lịch sử của Dior mà thay vào đó là tái cấu trúc nó. Có lẽ ông nhận ra rằng đã qua rồi thời điểm mà một NTK hậu bối phải bám víu lấy những thiết kế nguyên bản, thay vì làm mới nó.

Điểm sáng của BST này đó là những chiếc áo khoác. Chúng là những chiếc áo khoác rộng với các chi tiết cổ và tay áo được cường điệu, được làm bất cân xứng, chẳng hạn như một bên có tay áo, một bên không, hay một bên là tay áo lông thú và bên còn lại thì không. Người mẫu bước ra và tay giữ hai vạt áo là hình ảnh nhắc đến BST cuối cùng của Raf Simons cho Jil Sander, và rất nhiều người phàn nàn về điều này. Họ nói rằng vì sao không đơm nút cài áo mà phải làm như thế? Đơn giản chỉ là vì đó là cử chỉ đẹp mang giàu tính tượng hình. Cũng giống như một chiếc túi xách cũng có dăm ba cách cầm mà. Tôi nghĩ đơn giản họ chỉ không vừa lòng với mọi thứ Raf Simons đang làm.



Một điểm cộng cho BST này nữa đó là lần này Raf Simons không tìm nguồn cảm hứng từ nhiều thời đại nữa mà chỉ tập trung vào bức họa "Garden of Earthy Delights" miêu tả tội lỗi và quá trình sa ngã của tổ tiên loài người của danh họa Hieronymus Bosch nổi tiếng trong giới nghệ thuật Châu Âu thời Trung Cổ. Dễ thấy nhất là sàn diễn được dàn dựng tựa như bức tranh "Khu vườn lạc thú", với những ô kính màu sắc tươi tắn lấy cảm hứng từ kiến trúc nhà thờ và những người mẫu trong chiếc váy hai mảnh, tạo nên một bức tranh sinh động. Raf Simons cảm thấy kích thích với ý tưởng về trái cấm, sự tinh khiết và ngây thơ đối với sự xa xỉ và suy đồi. Khu vườn của Dior bây giờ không còn là vườn hoa nữa mà lại là khu vườn của sắc dục.



Saturday, July 4, 2015

Donna Karan and The Vietnam love story


Xin chào các bạn đọc thân mến! Đã lâu lắm rồi tôi mới về lại nơi này vì một số lí do cá nhân có thể kể ra đó là thời gian và đam mê. Tôi đoán mình không có nhiều bạn đọc lắm nhưng tự mình vẫn cảm thấy hãnh diện vì họ là những người trung thành và vẫn muốn đọc những gì tôi viết ra. Chính vì vậy tôi quyết định sẽ trở lại viết blog, mặc dù không đảm bảo được sẽ viết thường xuyên như trước. Hi vọng quý bạn đọc không vì chuyện đứt quãng thất thường mà không ủng hộ tôi nữa vì chính các bạn là động lực để tôi có thể làm "anh hùng bàn phím".

Tin tức thời trang đáng quan tâm gần đây nhất có lẽ là việc NTK Donna Karan từ bỏ thời trang để tập trung cho dự án riêng Urban Zen của bà. Đa số chúng ta đều tôn những tên tuổi như Alexander McQueen hay John Galliano hay Phoebe Philo lên làm vương làm tướng của làng thời trang nhưng Donna Karan không hề kém cạnh. Tên tuổi của bà đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử thời trang ở giai đoạn mà phụ nữ vùng lên, tự kiếm tiền bằng những công việc giống như đàn ông. Kể từ lúc đó, trên phố Wall xuất hiện phụ nữ và xã hội có khái niệm về Career Woman. Nếu như Coco Chanel giải phóng phụ nữ khỏi những chiếc corset bó buộc thì Donna Karan trang bị cho họ hành trang trên đường đua khắc nghiệt ngoài xã hội.

Tôi sẽ đăng bài viết về Donna Karan sau khi số báo tôi cộng tác xuất bản, còn bây giờ hãy nói về bộ ảnh quảng cáo mà tôi vô tình tìm được khi đang tìm tư liệu viết bài. Như các bạn đã biết Việt Nam là một địa danh vô cùng hấp dẫn trong mắt các nhà làm thời trang phương tây. Hóa ra ngoài những tên tuổi thời trang lớn của nước ngoài thì Donna Karan cũng đã đến với miền nam Việt Nam trong bộ ảnh quảng cáo năm 2001. Tôi có cảm giác về một câu chuyện tình vụng trộm tương tự với bộ phim ưa thích của tôi, Sayonara Itsuka. Cũng bối cảnh một địa danh Đông Nam Á, trong tiết trời nực nội oi bức của mùa hè, họ-cặp tình nhân Jeremy Irons và Milla Jovovich vội vã quấn lấy nhau và rồi chia tay trong tiếc nuối. Quả là một câu chuyện tuyệt vời, giống như câu chuyện về chàng nghệ sĩ và nàng thơ trong căn hộ vùng ngoại ô New York của mình trong bộ ảnh năm 2013.













Tuesday, January 13, 2015

And Galliano is finally back

Witches in the Air by Goya x Maison Margiela by John Galliano
(Artwork by me)

Ba năm là quãng thời gian đủ dài cho cả John Galliano và những ai yêu thích phong cách thiết kế của ông. Dù ít hay nhiều, BST debut của ông với vị trí là Creative Director cho Maison Martin Margiela (nay là Maison Margiela) cũng đã phần nào thỏa mãn sự chờ đợi.

Margiela, Galliano là hai cái tên mà chẳng ai nghĩ có thể lại đi cùng nhau. Một bên sống một cuộc sống kín đáo, ẩn dật, đến mức người mẫu của mình trên sàn diễn cũng đeo mặt nạ, trong khi thiết kế lại không tuân thủ một quy tắc nào thì một bên giống như ngôi sao của công chúng, đến mức mỗi khi xuất hiện lại hào hoa hơn cả những bộ trang phục. Nhưng với thời trang, điều gì cũng có thể xảy ra, điển hình là sự kết hợp bất ngờ này.

Có lẽ mọi người đã bắt đầu chán ngán thời trang ngày nay khi quanh quẩn trên sàn diễn chỉ là những bộ trang phục tối giản lạnh lùng. BST Haute Couture của Margiela giống như cơn mưa rào ở sa mạc làm thỏa mãn đám đông. Liệu BST này thực sự xuất sắc hay người ta luôn ca ngợi bất cứ cái gì mà Galliano làm ra?

Margiela kết hợp với Galliano không đơn giản chỉ là lấy mỗi bên một ít rồi trộn lại. Phải chăng Galliano đã gác kiếm khá lâu, hay trong ba năm bị dòng đời xô đẩy, hay thực sự ông đã đánh mất thứ ma thuật của mình mà tại BST này vẫn đem lại cảm giác trống trải, thiếu vắng một cái gì đó.

Không khó để thấy được BST thể hiện khá rõ dấu ấn cá nhân của cả Margiela và Galliano. Mở màn bằng một trong những thiết kế kinh điển của Margiela, chiếc váy bằng vải canvas mô phỏng mannequin trong haute couture. Và rồi sự bất cân xứng, lắp ghép đầy ngẫu hứng từ những thứ vụn vỡ trông có vẻ rẻ tiền, nhúng mọi thứ vào sơn và không thể thiếu những chiếc mặt nạ trùm kín đầu. Mặt khác, ở đó có những chi tiết xếp vải và ruffles đặc trưng của Galliano. Nhưng xem ra đây không phải chỉ là cuộc chơi của Margiela và Galliano mà đâu đó còn có sự góp mặt của Comme des Garcons, Schiapparelli.