Nếu bạn đang tìm kiếm một người nghệ sĩ biết kinh doanh, hãy tìm đến Dries Van Noten. Nói ông là một doanh nhân bởi những trang phục ông làm ra đều với một mục đích phải mặc được, phải bán được. Còn về nghệ sĩ, với xuất thân từ một gia đình am hiểu và sưu tầm nghệ thuật, Dries Van Noten đưa nghệ thuật vào trang phục một cách rất tự nhiên, và ở một khía cạnh nào đó, những thiết kế của ông giống như những tác phẩm nghệ thuật.
Nghệ thuật trong các thiết kế của Dries Van Noten có thể là trình diễn, kiến trúc hoặc đơn giản là hội họa. BST mùa xuân 2015 của ông là sự gặp gỡ của tinh thần lãng mạn đến từ hội họa và thập niên 70, thập niên của tuổi trẻ, thi ca, tình yêu và hòa bình. Show diễn hiện thực hóa bức tranh thời tiền Raphaelite hoàn thành năm 1852 vẽ nàng Ophelia đang trầm mình trong đầm lầy của họa sư người Anh John Everett Millais. Đường băng được trải một lớp thảm với bề mặt giống cỏ và rêu thật, để rồi tới màn finale, tất cả những người mẫu trong show diễn ngồi thư giãn trên thảm cỏ để truyền đạt tinh thần và vẻ đẹp của bức tranh Ophelia. Đồng thời, cảnh tượng những con người trẻ tuổi ngồi trên bãi cỏ mang lại tinh thần của thập niên 70s một cách mạnh mẽ.
Đó là những tinh hoa nghệ thuật hàn lâm được Dries Van Noten gửi gắm vào show diễn. Không dừng lại ở đó, với BST lần này, Dries Van Noten nâng thời trang và may mặc lên một tầm cao mới, biến những bộ quần áo vô tri trở thành một kiệt tác nghệ thuật. Nhìn chung những kiểu trang phục của DVN rất hợp thời trang và hoàn toàn có thể mặc được. Con mắt của người nghệ sĩ này vô cùng nhạy bén với màu sắc và họa tiết, kết hợp chúng với nhau để tạo nên một thể thức đẹp mắt. Từ những mảng màu riêng biệt cho đến hòa quyện kiểu ombre hay ánh kim, DVN như gửi đến thông điệp thách thức những quy tắc trong thời trang cũng như thị giác. Nếu như chúng ta được các tạp chí thời trang định hướng rằng đừng nên phối hợp hơn 5 màu trên tổng thể trang phục bằng không bạn sẽ trông giống một chú hề thì tại BST này, DVN làm điều ngược lại và kết quả là chẳng có chú hề nào ở đây.
Nghệ thuật trên trang phục không chỉ nằm ở những màu sắc hòa quyện trên vải vóc mà còn là kĩ thuật xử lí vải thượng đẳng. Cùng trên một mảnh vải, nhưng lại có đến hai họa tiết được dệt liên tiếp thay vì may ghép hai họa tiết từ hai mảnh vải khác nhau hoặc in ấn, hay một mảnh vải có hai mặt màu sắc khác nhau. Chưa hết, chi tiết những đốm vải hoặc họa tiết trên nền vải sheer hoàn toàn được dệt máy đòi hỏi công nghệ cực kì cao và hiếm thấy. Và còn nữa, những chiếc áo khoác của DVN được dệt bằng tổ hợp sợi đặc biệt khiến cho chiếc áo nhẹ tựa lông hồng mặc dù có độ dày đáng kể.
Và nếu nói đến Dries Van Noten và nghệ thuật trên trang phục thì không thể bỏ qua chi tiết couture. Hiệu ứng chuyển màu được thực hiện bằng những sợi ruy băng bằng organza bóng hay thậm chí tạo thành bởi những lớp vải chiffon được xử lí tưa, tạo bề mặt bông xù trông rất mịn màng và nhẹ. Kĩ thuật này làm tôi nhớ đến một thiết kế couture của Dior trong BST debut của Raf Simons năm 2012.
No comments:
Post a Comment